QUỸ BÀN CHÂN XANH

QUỸ BÀN CHÂN XANH

Trong những năm qua, các chuyến phototour, leo núi, dã ngoại, cho trẻ về thiên nhiên… do Học viện nhiếp ảnh Ánh sáng LPA tổ chức ngoài việc tạo một sân chơi lành mạnh và bổ ích cho các thành viên và người thân, bạn bè của thành viên, chúng tôi còn hướng tới hình thành một cộng đồng “xê dịch” văn minh, có trách nhiệm với môi trường và xã hội.

Cụ thể, tất cả các chuyến đi của LPA tổ chức các thành viên tham gia đều không để lại rác thải có hại ra môi trường, chúng tôi thu gom hoặc mang rác về, chúng tôi tuyên truyền cho những người làm du lịch, những người dân địa phương kiến thức và cách thức bảo vệ môi trường, bảo tồn văn hoá bản địa, chúng tôi hướng dẫn trẻ em cách vui chơi, tận hưởng mà không làm hại tới thiên nhiên nhiên…

Với mong muốn lan toả rộng hơn tinh thần “sống xanh” ra ngoài cộng đồng, tới nhiều đối tượng đa dạng hơn, LPA quyết định thành lập quỹ Bàn chân xanh, với sự hợp tác cùng Trung tâm Truyền thông Tài Nguyên và Môi trường, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhóm Bàn chân xanh do nhiếp ảnh gia Lekima Hùng ( đại sứ Đại dương xanh và Đại sứ phong trào chống rác thải nhựa…) làm trưởng nhóm.

– Vì sao là “Bàn chân xanh”?
Có thể các bạn đã nghe tới cụm từ “dấu chân carbon” và hẳn khi đã biết về dấu chân carbon (*), chúng ta không ai muốn góp phần tạo thêm nhiều dấu chân này trong cuộc sống hàng ngày. Chúng tôi cũng vậy, không chỉ muốn hạn chế dấu chân carbon trong sinh hoạt thường ngày, kể cả khi đi chơi, đi du lịch xả hơi, thư giãn, hãy là những “bàn chân xanh”, chỉ để lại những dấu chân “xanh” trên đường đi nhé!

– Mục đích của quỹ Bàn chân xanh
Nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ thiên nhiên, môi trường cho cả người làm du lịch và người đi du lịch, chú trọng đến những đối tượng có sức ảnh hưởng trong cộng đồng

– Tiêu chí hoạt động
“Chỉ hành động mới tạo nên thay đổi”
“Hành động” sẽ được cụ thể hoá thông qua các hoạt động như: tổ chức các buổi đào tạo, giao lưu, nói chuyện với những người làm du lịch ở địa phương, các bạn học sinh, sinh viên tại các trường học, tổ chức cắm biển kêu gọi bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, dã ngoại, tặng thùng rác và hướng dẫn cách phân loại rác tại những nơi còn hạn chế về vấn đề thu gom và xử lý rác thải (trên núi, ngoài đảo v.v.)

– Kế hoạch triển khai
Trước mắt Quỹ sẽ tiếp nối hoạt động trang bị thùng rác, hướng dẫn cách phân loại và xử lý rác thải tại các điểm leo núi, ngoài ra thêm hoạt động cắm biển kêu gọi bảo vệ môi trường trên các cung đường trek, leo núi và trên đỉnh núi. Dự kiến đến 5/2023 sẽ hoàn thành việc trang bị thùng rác và căm biển cho 15 ngọn núi cao và đẹp nhất Việt Nam.

Mỗi định núi dự kiến tặng 2-3 thùng rác 120l, cắm 10 biển trên đường đi ( Các biển đa phần là các câu hài hước, theo trend của cộng đồng mạng, bên dưới là thông điệp bảo vệ môi trường). Chi phí mua thùng rác, làm biển và vận chuyển cũng như tổ chức cắm trên đường leo núi khoảng 6triệu/đỉnh núi. Tổng kinh phí giai đoạn 1 cho 15 đỉnh núi sẽ khoảng 90,000,000vnđ

– Thông tin quỹ:
+ Trước mắt, quỹ sẽ hoạt động từ các nguồn kinh phí: đóng góp của các thành viên tham gia tour của LPA, Quỹ thiện nguyện LPA
Từ tháng 12/2021, tất cả các thành viên tham gia các chuyến leo núi hoặc các chuyến dã ngoại có hoạt động tặng thùng rác và cắm biển sẽ đóng góp 100k/người/chuyến vào Quỹ Bàn chân xanh.

Ngoài ra các thành viên và tất cả các anh chị em, bạn bè quan tâm và ủng hộ Quỹ có thể góp phần ủng hộ vào tài khoản riêng của Quỹ theo thông tin bên dưới (đây là tài khoản dành riêng cho Quỹ Bàn chân xanh, do Quỹ không có tư cách pháp nhân nên tạm thời đứng tên cá nhân).

Số tài khoản: 9034172888
Tên TK: Nguyễn Việt Hùng
Ngân hàng: Vietcombank
(Tài khoản chỉ dùng với mục đích duy nhất cho Quỹ Bàn Chân Xanh)

Các hoạt động thu chi sẽ được thực hiện minh bạch và công bố sau mỗi chuyến đi.

(*) Khái niệm “dấu chân carbon” được công bố lần đầu tiên vào năm 1979, đến năm 2007 mới được chính thức đưa vào sử dụng trong những báo cáo khoa học đầu tiên về biến đổi khí hậu của IPCC – Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu. Dấu chân carbon được hiểu là tổng lượng phát thải khí nhà kính – là những loại khí gây hại đến sức khoẻ con người, giữ nhiệt trong khí quyền và gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu – đến từ quá trình sản xuất, sử dụng và cuối vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ. Dấu chân carbon được tạo ra bởi tất cả chúng ta, từ những sinh hoạt nhỏ nhặt nhất hàng ngày của cá nhân, gia đình đến những hoạt động vĩ mô ở tầm tổ chức hay quốc gia.

Kế hoạch hoạt động của Quỹ bàn chân xanh 12/2021: Tặng thùng rác và cắmbiển trên đường leo núi Ngũ Chỉ Sơn – 1 trong 20 ngọn núi cao và đẹp nhất Việt Nam. Ngũ Chỉ Sơn thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, giáp ranh giữa xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) và xã Tả Giàng Phình, huyện Sa Pa. Ngũ Chỉ Sơn có 5 ngọn núi chính, thẳng đứng ở độ cao gần 3.000 m so với mực nước biển.

– Thời gian thực hiện; 10-12/12/2021
– Số lượng thùng rác và biển: 02 thùng rác, 10 biển
– Các chi phí bao gồm: mua thùng rác, làm biển, vận chuyển, thuê người mang lên núi và cắm biển… Các chi phí này sẽ được liệt kê và công bố cụ thể sau chuyến đi.

Danh sách 15 ngọn núi cao nhất sẽ leo và cắm biển từ khoảng tháng 9 đến tháng 4 vào các mùa leo núi mỗi năm.

TOP 15 ĐỈNH NÚI CAO NHẤT VIỆT NAM
1. Fansipan (cao 3143m)
2. Đỉnh Pu Si Lung (Phu Si Lung – cao 3080m)
3. Putaleng (cao 3049m)
4. Đỉnh Ky Quan San (cao 3046m)
5. Khang Su Văn (Phàn Liên San/ U Thái San – cao 3012m)
6. Tả Liên (cao 2.996m)
7. Tà Chì Nhù (cao 2.979m)
8. Pờ Ma Lung (Bạch Mộc Lương – cao 2.967m)
9. Nhìu Cồ San (Nhiều Sừng Trâu- cao 2.965m)
10. Chung Nhía Vũ (cao 2.918m)
11. Đỉnh Lùng Cúng (cao 2913m)
12. Đỉnh Nam Kang Ho Tao (cao 2881m)
13. Đỉnh Tà Xùa (cao 2865m)
14. Đỉnh Lảo Thẩn (Cao 2860m)
15. Ngũ Chỉ Sơn (Cao 2858m)

Ngoài đóng góp về kinh phí, Quỹ Bàn chân xanh cũng rất mong muốn nhận được đóng góp về nội dung các biển cắm trên đường. Tiêu chí là truyền tải trực tiếp và gián tiếp thông điệp bảo vệ thiên nhiên, môi trường cho cộng đồng theo cách gần gũi, dễ đi vào lòng người, không đao to búa lớn. Ví dụ: nội dung có thể là các câu nói ngắn gọn, hài hước, thông dụng hay mang tính “trendy” trong cộng đồng nhằm thu hút sự chú ý của những người qua đường, kích thích trí tò mò khiến họ dừng lại và chụp ảnh check-in. Các bạn có thể xem một số ví dụ các tấm biển đã làm qua chuyến leo núi Lùng Cúng 11.2021.
#bànchânxanh

Hình ảnh chúng nhóm Bàn Chân Xanh tặng thùng rác cho lán Nhìu Cồ San và Lùng Cúng. Cũng như cắm biển trên đường leo núi Lùng Cúng 27/11/2021

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *