Đồ Nghề Leo Núi

ĐỒ NGHỀ LEO NÚI
(phần 1, đồ nghề bắt buộc)
Video: https://youtu.be/atQ5OX8_GC4
#đồnghềleonúi #DoNgheLeoNui
Nhiều người leo lần đầu sẽ rất quan tâm vấn đề này, bài viết này tôi sẽ nói về đồ nghề BẮT BUỘC trước và cho các trường hợp thông thường khi leo núi bạn có lán hoặc có ng phụ trách lán trại rồi.

Đồ nghề nói chung sẽ đề cập trong bài sau. Đây là đồ nghề mà bạn bắt buộc phải gắn trên người mình. Bạn đừng chủ quan, sai 1 ly là đi cả nhiều nhiều dặm đó

1. Giầy leo núi:
Quan trọng bậc nhất, nó có thể chống nước hay không, thấp cổ, cao cổ hay cổ lửng, đế giấy đó được thiết kế bám đá, lên dốc và xuống dốc, sẽ giúp bạn leo núi dễ dàng, không bị chấn thương ( sẽ viết chi tiết các phần sau) giá từ vài trăm đến 3 triệu là bình thường. Mùa leo núi thường từ tháng 11 – tháng 4 vào mùa lạnh nên giầy tôi chọn thường là giầy cổ lửng và chống nước. Trọng lượng giầy nhẹ cũng làm bạn đỡ mất sức.

2. Gậy
Bạn chưa leo hay thiếu kinh nghiệm, gậy giúp bạn nhiều lắm, nhất là khi đường trơn. Sẽ giúp đỡ cho trọng lượng cơ thể của bạn sau những hành trình leo núi mệt mỏi. Bạn có thể dùng gậy chuyên nghiệp cho leo núi, hoặc chỉ cần một cành cây chắc chắn. Các cụ bảo vững như kiềng 3 chân là bởi trong Toán học, 3 điểm tạo thành 1 mặt phẳng, 2 chân bạn và gậy nữa là tạo 1 mặt phẳng, giúp bạn đứng vững ở mọi địa hình. Giá có thể từ 130k là dùng đc rồi.

3. Nước và đồ ăn vặt:
Bạn chỉ thiếu là biết tay nhau ngay, nước chính là thứ nặng nhất trong balo leo bạn mang theo, chính vì vậy đoàn tôi chia nhóm để làm sao mỗi người chỉ mang tối đa 1 lít nước, 1 lit còn lại do porter mang và tiếp nước khi cần thiết. Trời lạnh sẽ 1 lít là đủ, trời nóng thì thường phải trên 2 lit cho 1 ngày leo. Nước tôi cũng pha thêm bột chanh hữu cơ mua ở tầng 8 số 18 Ngô Quyền ( cái này cực thích nhưng mà đắt ). Còn ko bạn có thể pha điện giải hay C sủi.

Bạn nên mang theo các thực phẩm như socola, các loại hạt (chẳng hạn như đậu phộng), trái cây khô, chà là, chuối sấy… Những loại thực phẩm này có trọng lượng nhẹ nhưng lại cung cấp một lượng calo rất cao, giúp tăng năng lượng cho bạn trong quá trình leo núi.

4. Balo leo núi:
Thực ra tôi thấy cái balo của dân chạy là cực tiện, nó bám sát người và nước rút ở đằng trước, không phải tháo balo xuống

Còn nếu chưa đầu tư, bạn mua 1 cái balo leo núi chắc chỉ tầm 20-30l cho việc leo trong ngày thôi. Balo leo núi nó chống nước, có dây đeo bụng nó mới ko lủng lẳng khi đi các địa hình khó. Thậm chí có chỗ treo túi nước và dẫn ống ra đằng trước để… mút, nhàn hạ.

Còn ko quá cầu kỳ thì như tôi tôi vẫn dùng balo bình thường hàng ngày để leo núi, mua thêm cái túi che balo nhỡ mưa để che là xong. Nhưng nên có túi 2 bên để đựng nước và lấy nước dễ dàng.

5. Găng tay có gai cao su, đây thứ buộc ‘phải có’ khi đi rừng hay leo núi, chống nước nếu bạn đi vào hôm mưa hay lạnh
Bạn cũng có thể ra Yết Kiêu (Hà nội), các nơi bán đồ bảo hộ, mua găng tay bảo hộ lao động, mua vài đôi leo cũng đc, giá rẻ.

6. Mũ hoặc khăn cổ đa năng:
Khi đi leo núi bạn cũng cần có một chiếc mũ che nắng hắt vào mặt. Điều này rất cần thiết nên bạn đừng chủ quan. Không những thế nó còn giúp bảo vệ đầu khi đi trong rừng trước các loại côn trùng.

7. Đèn pin ( đội đầu thì nhàn cho tay)
Là điều bắt buộc khi đi lúc tối, loại đeo lên đầu sẽ làm mọi người có thêm tay để chống gậy và hay bám để leo, tiện hơn. Chống nước nhé.

8. Bật lửa hoặc diêm chống nước:
Trong tình huống xấu nhất là bạn bị lạc, bạn còn có cái mà sưởi ấm lẫn đốt lửa báo hiệu cho người tìm bạn dễ dàng

9. Áo mưa và áo khoác, quần, áo
Áo mưa mặc như quần áo sẽ dễ cho bạn leo các đoạn núi dốc, không vướng tầm nhìn.
Áo khoác và quần chống nước – không thể thiếu
Trong số các loại trang phục khi leo núi thì không thể thiếu áo khoác và quần chống nước. Chọn quần nhẹ, mau khô chuyên dụng càng tốt.

Áo bên trong tôi thường dùng áo len merino (áo lông cừu) hè thì mát, đông thì ấm và đặc biết nó khô cực nhanh, không làm ta bị lạnh. Mọi ng hay khuyên áo cotton, nhưng thú thực nó ko mau khô, lúc ướt sũng rất lạnh và khó chịu.
Khi đi rừng có thể sẽ gặp phải những con suối, những vũng nước cần phải băng qua. Hoặc đơn giản là đang đi có thể gặp những cơn mưa bất chợt hay mưa phùn chưa đủ to để bạn phải lôi ra áo mưa. Chống đc UV càng tốtÁo khoác nên có mũ để giữ ấm và chống côn trùng

Leo núi cực kỳ nóng nên bên chỉ cần mặc một áo trong và 1 áo khoác chống nước bên ngoài, dù có mùa Đông ( Đề phòng thì thêm cái gile. Nhiều người mặc áo phao, lông vũ, áo giữ ấm nhiều lớp rõ to và nặng rồi cởi hết và lại vác nặng mà thôi.
Tôi cùng mang thêm tất hay đồ lót, áo mỏng dự phòng trong balo, nhỡ ùm xuống suối còn có cái mà thay.

10. Phụ kiện khác:
– Thuốc cơ bản ( có thuốc đi ngoài, băng dán vết thương)
– Giấy vệ sinh, đã có bạn đồng hành gặp phải, ko có là méo mặt nhá, lau bằng lá rừng luôn. Chẳng may phải lá ngứa thì… haha.
– Còi ( khi bạn cần cứu bạn thổi đỡ tốn sức hơn là kêu gào)
– Xà cạp ( đề phòng mưa và vắt)
– Kính: Chống UV nhé, núi càng cao UV càng kính, sẽ bảo vệ mắt cho bạn
– Kem chống nắng dưỡng da.
– Miếng dán giữ nhiệt khi vào thời tiết lạnh
– Dao đa năng ( nên cho các anh em trai)

Gần 10 năm trước khi mình ở trên đỉnh Fan 3100m mấy hôm, chỉ được hơn ngày khi ko có kính, ko kem chống nắng, mắt đã sưng húp vì UV dù nắng rất nhẹ.

Lưu ý:
– Các bộ phận không sinh nhiệt như tai hay tay, bàn chân… bạn cần giữ ấm mới ko làm bạn yếu và xuống sức. Vì vậy tôi chọn giầy hay găng tay chống nước là vì thế. Đừng để các bộ phần đó ướt trong tình huống mưa và lạnh.
– Không nên mang thừa dù 1 lạng, đi lâu bánh đa cũng mỏi. Nên nhẹ là 1 tiêu chí quan trọng trong các đồ bạn mua.

Chị em nào mà xinh quá thì còn phải mua thêm bình xịt hơi cay, nhỉ
Lekima Hùng ( Bài viết thuộc bản quyền của LPA, vui lòng ghi rõ khi chia sẻ)
Video:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *